Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận một cụ bà N.T.T. (79 tuổi, Nam Định) nhập viện vì ho kéo dài nhiều tuần không rõ nguyên nhân.
Bệnh nhân dù không sốt, đau họng hay có dấu hiệu nhiễm trùng, cụ thường xuyên cảm thấy đau vùng mang tai trái khi nuốt.
Trước đó, cụ đã dùng nhiều loại thuốc ho nhưng không đỡ, khiến cơ thể mệt mỏi, ăn uống kém và mất ngủ. Khi nội soi, bác sĩ phát hiện một dị vật kim loại nhỏ, sắc, cong như sợi dây nằm sâu trong khe amidan trái – vị trí khó quan sát bằng mắt thường.
![]() |
Các bác sĩ tiến hành gắp dị vật. Ảnh: BVCC |
Dị vật được lấy ra nhẹ nhàng bằng nội soi mà không gây tổn thương. Ngay sau đó, các cơn ho của bệnh nhân biến mất hoàn toàn, sức khỏe cải thiện rõ rệt.
Theo bác sĩ Trịnh Thùy Liên, chuyên khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, dị vật đường tiêu hóa, đặc biệt loại nhỏ và sắc nhọn, có thể "trốn" trong cơ thể lâu ngày mà không gây triệu chứng rõ ràng. Ở người già, do phản xạ nuốt và ho kém, việc phát hiện dị vật càng khó hơn.
Các dấu hiệu như ho kéo dài, vướng họng, nghẹn khi nuốt dù nhẹ cũng có thể cảnh báo dị vật hoặc tổn thương vùng hầu họng. Nội soi tai mũi họng là phương pháp hiệu quả để phát hiện dị vật ở vị trí sâu, trong khi X-quang thường khó nhận biết.
Nếu có triệu chứng ho kéo dài, đau tai khi nuốt, vướng họng, nên đi khám sớm tại cơ sở y tế chuyên khoa. Dù là dị vật nhỏ, nếu không xử lý kịp thời, có thể dẫn đến viêm loét, áp xe, thủng thực quản, thậm chí nguy hiểm tính mạng.