Chương trình có sự đồng hành của: Công ty Cổ phần cơ điện Trần Phú, Công ty Cổ phần tập đoàn xây dựng Hòa Bình, Công ty Tôn Phương Nam, Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình, Công ty Cổ phần quốc tế Sơn Hà, Công ty TNHH may thêu giầy An Phước, Công ty Cổ phần Secoin, Công ty Cổ phần thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Bình Dương.
Thương hiệu “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD
Trong bối cảnh đó, Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value) được triển khai thực hiện từ năm 2003 - là chương trình duy nhất của Chính phủ triển khai với mục đích quảng bá hình ảnh quốc gia, thương hiệu quốc gia thông qua thương hiệu sản phẩm.
“Thời gian qua, nhiều tập đoàn và DN Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như là chìa khóa giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN. Các DN đã từng bước xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu của mình, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và khẳng định vị trí trên thị trường trong và ngoài nước” - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú, Trưởng ban Thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia nhấn mạnh.
Gian trưng bày các sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Theo thống kê của Bộ Công thương, số lượng DN được công nhận có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia tăng đều qua các thời kỳ. Nếu như năm 2008 chỉ có 30 DN thì đến năm 2018 đã có 97 DN được công nhận.
Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, theo bảng xếp hạng 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới năm 2018 được Tổ chức Brand Finance công bố, “Vietnam” được định giá 235 tỷ USD và nằm trong nhóm thương hiệu mạnh. Vị trí của thương hiệu được cải thiện hai bậc trên bảng xếp hạng, lên thứ 43.
Gắn kết thương hiệu với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Hữu Nghĩa - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho hay, thương hiệu quốc gia không thể thiếu trong nỗ lực nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đặc biệt, vào thời điểm này, để cạnh tranh có hiệu quả trên thị trường trong nước cũng như thị trường nước ngoài, thì việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu quốc gia đúng mức và đúng cách là biện pháp bổ trợ đáng kể.
“Nếu xây dựng thương hiệu DN yêu cầu sự nỗ lực của một tập thể lao động, thì xây dựng thương hiệu quốc gia đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả một dân tộc. Càng có nhiều nguồn lực khác nhau chung sức tham gia sẽ tạo ra sức mạnh tổng thể, giúp rút ngắn khoảng cách, khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế” - ông Nghĩa nhấn mạnh.
Còn theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, việc tăng cường triển khai xây dựng Chiến lược Thương hiệu quốc gia đáp ứng xu hướng phát triển mới là hết sức cần thiết. Việt Nam cần tạo một chiến lược quảng bá đồng bộ, nhất quán và chuyên nghiệp về thương hiệu Việt Nam trên thị trường thế giới.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, hiện Bộ Công thương đang xây dựng và sẽ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới và dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế xây dựng, quản lý và thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia.
Triển khai Đạp xe diễu hành Thương hiệu quốc gia
Trong khuôn khổ chương trình Tuần lễ thương hiệu quốc gia, hoạt động Đạp xe diễu hành Thương hiệu quốc gia 2019 đã thu hút 97 doanh nghiệp hưởng ứng tham dự.
Đạp xe diễu hành Thương hiệu Quốc gia
"Đạp xe diễu hành Thương hiệu quốc gia là sự kiện đặc biệt có ý nghĩa quan trọng trong việc quảng bá cho Chương trình Thương hiệu quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2003, đồng thời khích lệ động viên các doanh nghiệp đã đạt Thương hiệu quốc gia - là những doanh nghiệp được Nhà nước chứng thực cho uy tín của sản phẩm đại diện cho 3 giá trị trụ cột là chất lượng - đổi mới sáng tạo - năng lực tiên phong" - ông Phú phát biểu.
Ông Phú nhấn mạnh, mỗi chiếc xe đạp mang theo từng thương hiệu doanh nghiệp thể hiện sự đóng góp của người lao động khi làm ra những sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ có chất lượng để chúng ta có thể tự hào khi giới thiệu về thương hiệu Việt Nam tại thị trường trong và ngoài nước.
Có thể thấy, việc xây dựng và phát huy giá trị Thương hiệu quốc gia Việt Nam đã và đang nhận được sự quan tâm lớn từ Chính phủ và sự nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp. Đó là nền tảng để các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt khẳng định vị thế của mình trên thị trường quốc tế.