Để đi vào kỷ nguyên mới, công tác ngoại giao kinh tế tiếp tục phát huy vai trò phục vụ doanh nghiệp, người dân, địa phương trên tinh thần thực chất hơn.
6 dấu ấn nổi bật của công tác ngoại giao - đối ngoại
Chia sẻ với báo giới về bức tranh đối ngoại Việt Nam năm 2024, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp với nhiều bất ổn, xung đột. Những vấn đề toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước… tác động đa chiều, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của các quốc gia.
Dù vậy, “Việt Nam vẫn giữ vững cục diện đất nước hòa bình, ổn định, phát triển và được dư luận quốc tế coi là một trong những ‘'điểm sáng’ ở khu vực”' - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhận định và cho biết, năm qua, các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, đạt nhiều kết quả thực chất, tạo nên tầm vóc đối ngoại mới, tạo đà thuận lợi cho đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chia sẻ với báo giới về kết quả công tác ngoại giao năm 2024 và những nhiệm vụ năm 2025. Ảnh: Nguyễn Hồng |
Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong năm 2024, ngành ngoại giao, hoạt động đối ngoại đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật:
Một là trên nền tảng đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đối ngoại, ngoại giao Việt Nam ngày càng năng động, sáng tạo và chủ động hơn.
Trong năm 2024, các hoạt động đối ngoại, nhất là đối ngoại cấp cao, diễn ra sôi động, rộng khắp các châu lục và tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng. Lãnh đạo chủ chốt ta đã tiến hành tổng cộng 60 hoạt động đối ngoại, trong đó có 21 chuyến thăm tới các nước và tham dự các hội nghị đa phương; đón 25 đoàn Lãnh đạo các nước thăm Việt Nam. Ta cũng đẩy mạnh triển khai các thỏa thuận, cam kết quốc tế, cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ được nâng cấp, ký kết mới hơn 170 thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực ta có nhu cầu và lợi ích.
Hai là có thể thấy bạn bè quốc tế ngày càng coi trọng, đánh giá cao, mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam. Trong năm nay ta đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện với các đối tác lớn như Australia, Pháp, Malaysia, nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược với Brazil, thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện với Mông Cổ, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE)…, qua đó tạo dựng khuôn khổ quan hệ với 32 đối tác hàng đầu, bao gồm các nước láng giềng, các nước lớn, các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.
Với việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Malawi, chúng ta đã chính thức có quan hệ ngoại giao với tất cả các nước châu Phi, nâng các nước có quan hệ ngoại giao lên 194 nước, đưa hợp tác giữa Việt Nam với các nước ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, mang tính chiến lược, ổn định và lâu dài.
Ba là ngoại giao kinh tế tiếp tục đóng góp tích cực vào những thành tựu kinh tế chung của đất nước dù kinh tế thế giới còn trong giai đoạn khó khăn.
Cũng theo Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, trong năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến cán mốc kỷ lục mới hơn 800 tỷ USD; Việt Nam tiếp tục là một trong những nước tiếp nhận FDI lớn nhất thế giới; đón hơn 15,8 triệu lượt khách du lịch quốc tế trong 11 tháng đầu năm, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam tiếp tục là điểm đến ngày càng hấp dẫn với các đối tác, nhà đầu tư và du khách nước ngoài.
Bốn là trước những biến động lớn trên thế giới, quốc phòng - an ninh - đối ngoại đã thực sự hình thành thế chân kiềng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa. Ngoại giao đã cùng các lực lượng duy trì đường biên giới hòa bình, ổn định, biển đảo, an ninh quốc gia, đạt nhiều tiến triển quan trọng trong đàm phán với các nước, xử lý hài hòa các vấn đề còn tồn tại, thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982…
Năm là trên bình diện đa phương, Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị thế, uy tín và có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng quốc tế.
Sáu là thế và lực của đất nước không ngừng được nâng cao từ sự cộng hưởng hiệu quả của các mảng công tác đối ngoại như thông tin đối ngoại, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, bảo hộ công dân.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79, ngày 22/9/2024. Ảnh: TTXVN |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, ngoại giao đã góp phần vận động thành công UNESCO ghi danh thêm 6 danh hiệu/di sản, nâng tổng số danh hiệu UNESCO lên 71, tạo một nguồn lực mới cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở các địa phương.
“Với những đóng góp cụ thể và thiết thực tại các cơ chế đa phương ở khu vực và quốc tế trong những năm qua, ta có thể tự tin nói rằng vai trò, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao; uy tín, mức độ tin cậy chính trị ngày càng được củng cố” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh thêm một lần nữa.
Ngoại giao kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Năm 2025 là năm quan trọng, có nhiều dấu mốc lớn và để đạt được mục tiêu vào năm 2030 khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao”, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, ngoại giao kinh tế đã trở thành một nhiệm vụ cơ bản, trung tâm của ngoại giao và nội dung kinh tế đã trở thành một trọng tâm trong các hoạt động đối ngoại các cấp, các ngành với phương châm lấy người dân, doanh nghiệp và địa phương làm trung tâm phục vụ.
“Nếu nhìn lại bài học của các nước đi trước, của các “con rồng, con hổ” châu Á thì trong kỷ nguyên vươn mình, trọng tâm của ngoại giao kinh tế là làm thế nào đưa đất nước vào vị thế tối ưu trong các xu hướng, trào lưu phát triển chính của thế giới, qua đó mở rộng không gian phát triển và kiến tạo những cơ hội mới cho các đột phá chiến lược của đất nước” - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đặt câu hỏi và cho biết thêm, thế giới đang đứng trước nhiều diễn biến phức tạp, khó lường và khó dự báo, nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các quốc gia tận dụng các động lực tăng trưởng mới như kinh tế xanh, kinh tế số, khoa học công nghệ… để bứt phá.
Trong nước, với thế và lực mới sau gần 40 năm đổi mới và trước những yêu cầu cấp bách của thời đại, có thể nói đây là thời điểm “hội tụ” để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát biểu gần đây.
Để tận dụng tốt những thời cơ này, cần nhận thức sâu sắc rằng để đi vào kỷ nguyên mới, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phát huy vai trò phục vụ doanh nghiệp, người dân và địa phương trên tinh thần hiệu quả hơn, sâu hơn, thực chất hơn, tư duy nhạy bén, sáng tạo hơn.
Chủ tịch nước Lương Cường cùng các lãnh đạo dự Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 31 tại Peru, ngày 16/11/2024. Ảnh: Tuấn Anh |
Làm được điều đó, một mặt ngoại giao kinh tế sẽ phải tiếp tục tận dụng tối đa các động lực tăng trưởng truyền thống như xuất khẩu, đầu tư, du lịch… Theo đó khai thác tối đa lợi ích của các hiệp định thương mại, đầu tư hiện có, nhất là những thị trường, lĩnh vực còn chưa được khai thác; khai mở các nguồn đầu tư, tài chính mới, nhất là những nguồn lực từ các doanh nghiệp, các quỹ đầu tư lớn; giải quyết những dự án lớn tồn đọng, từ đó tạo đòn bẩy thu hút dự án mới; tiếp tục rà soát, đôn đốc triển khai các cam kết thỏa thuận quốc tế; cụ thể hóa các khuôn khổ quan hệ vừa được nâng tầm thành các chương trình, dự án hợp tác kinh tế thiết thực, hiệu quả.
Mặt khác, để tạo đột phá thì cần phải thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, đột phá vào những lĩnh vực mới như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh và chỉ đạo. Do đó, trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian qua và tới đây sẽ là nhận diện và tranh thủ cơ hội từ những xu hướng mới đang định hình kinh tế thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; tạo lập được sự hợp tác sâu rộng với các trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới, bao gồm cả các quốc gia và doanh nghiệp, trong các lĩnh vực mang tính đột phá như công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, lượng tử.
Các thỏa thuận hợp tác với Nvidia và các tập đoàn công nghệ số gần đây là một ví dụ; xác lập vị thế trong chuỗi cung ứng và chuỗi sản xuất đang định hình, biến Việt Nam thành một mắt xích bền vững, có vị trí ngày càng cao; thúc đẩy các hoạt động ngoại giao chuyên sâu, chuyên ngành như ngoại giao công nghệ, ngoại giao khí hậu, ngoại giao nông nghiệp, ngoại giao hạ tầng, ngoại giao kinh tế số…
Với thế và lực mới sau gần 40 năm đổi mới và trước những yêu cầu cấp bách của thời đại, có thể nói đây là thời điểm “hội tụ” để đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới. Để tận dụng tốt những thời cơ này, công tác ngoại giao kinh tế cần tiếp tục phát huy vai trò phục vụ doanh nghiệp, người dân và địa phương trên tinh thần hiệu quả hơn, sâu hơn, thực chất hơn, tư duy nhạy bén, sáng tạo hơn. Do đó, trọng tâm của ngoại giao kinh tế thời gian qua và tới đây sẽ là nhận diện và tranh thủ cơ hội từ những xu hướng mới đang định hình kinh tế thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; tạo lập được sự hợp tác sâu rộng với các trung tâm đổi mới sáng tạo của thế giới, bao gồm cả các quốc gia và doanh nghiệp, trong các lĩnh vực mang tính đột phá như công nghệ cao, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, lượng tử. |
Khánh An